Unifarm – chắp cánh ước mơ
“Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai”
Tôi còn nhớ thời còn sinh viên, lúc theo chọn chuyên ngành nông nghiệp không ít người bảo tôi khờ, lớp có đến hơn 200 sinh viên, cuối cùng chỉ có vài đứa chọn chuyên ngành này, sao lại chọn cái nghiệp bao đời nay ai cũng muốn vươn lên thoát khỏi cái bóng của nó.
Tốt nghiệp chúng tôi chọn cho mình những con đường riêng, nhưng dù ở đâu hay làm gì chúng tôi vẫn mong có thể trở thành những người nông dân hạnh phúc và giúp những người nông dân xung quanh chúng tôi được hạnh phúc. Tôi có quyền tự hào, khi tôi chọn làm nông nghiệp theo cách của người trẻ và có tri thức. Tôi chọn Unifarm là nơi để hiện thực hóa giấc mơ của mình.
Unifarm – Chắp cánh ước mơ.
Trên nông trại rộng lớn, mỗi ngày đều có những việc to việc nhỏ để làm và dù là linh tinh, vặt vãnh nhưng mỗi việc đều được xem là quan trọng.
Thay vì 8 tiếng vàng ngọc, công việc của tôi bắt đầu lúc sáng sớm và sẽ kết thúc khi mọi thứ thực sự xong. Có những ngày về đến phòng đã thấy cả khu yên ắng chìm vào giấc ngủ.
Đôi lúc yếu lòng tôi đã từng nghĩ “giá như đừng chọn công việc này, phải chi có thể chọn một công việc nào đấy giữa Sài Gòn tấp nập, mỗi ngày chỉ đợi kim đồng hồ chỉ đến con số ấy là lại được về nhà”
Nhưng tôi từng được đọc một câu thế này “tri túc tiện túc đãi túc hà thời túc” – “biết đủ thì ắt thấy đủ, còn đợi cho đủ sẽ chẳng bao giờ thấy đủ”, con người ta nên biết hài lòng với những gì mình đang có, hiện tại là mới là điều đáng trân trọng.
Tôi trân trọng mỗi bữa cơm trưa đông đúc, mọi người quây quần bên bàn ăn, nói đủ chuyện trên trời, dưới biển. Mỗi bữa cơm, là một câu chuyện mà có kể hoài cũng chẳng hết.
Tôi trân trọng những buổi chiều bình yên trên nông trại, khi đám hoa lạc li ti rục đầu đi ngủ, lũ bằng lăng tím lác đác rơi trong gió, 4 đứa chó vẫy đuôi rối rít đón chủ về.
Tôi cũng không quên 2 con chó của nhà hàng xóm đầu ngõ, đều đặn 3 năm qua đuổi theo tôi ngày 4 lần.
Tôi trân trọng những buổi tối, khoảng thời gian tĩnh lặng làm người ta dễ dãi rơi vào nỗi buồn vì những chuyện chẳng thể định nổi tên, thật may vì còn nghe đâu đây có tiếng hát của ai đó – giọng hát cho tôi cảm tưởng trên đời này chẳng chẳng có chuyện gì tồi tệ hơn, thế là tâm hồn bổng vui trở lại.
Tôi trân trọng những ngày làm chẳng thấy mặt trời, nhưng ngẩng lên được chú công nhân cho 1 bịch sữa chua, mấy đứa nhỏ tặng vài miếng xoài hay rủ mình cùng nhau ăn vụng chuối xanh chấm muối ớt, tự dưng thấy mình sao dễ xúc động đến lạ.
Tôi trân trọng tình cảm của mỗi người xung quanh tôi, hôm rồi bị mèo cắn xước hết cả bàn tay, đi đâu ai cũng hỏi, dù đau lắm nhưng cứ thích khoe “Nè nè nó cắn con/em/chị ở chỗ này nè”, riết rồi vêt thương trở thành chiến tích của sự quan tâm thay vì là sự cố chẳng ai muốn gặp.
Tôi thương những đồng nghiệp xung quanh tôi, những người dành cả thanh xuân để chọn công việc không mấy dễ dàng.
Họ chẳng ngại làm việc dưới cái nóng thiêu đốt bên trong nhà kính,
Họ chẳng ngại đêm hôm khuya khoắt, người thì tưới nước đêm, người thì lục đục đi phun thuốc,
Họ đôi khi cũng chẳng nhớ nổi hôm nay đã làm bao nhiêu tiếng rồi, chỉ biết gắng thêm chút nữa để đóng xong chỗ dưa, chỗ chuối này, dù không biết đã có bao nhiêu cuộc gọi từ đám trẻ con “Bao giờ ba/mẹ sẽ về?”
Họ kiên trì, nhẫn nại truyền đạt lại tất cả những gì mình biết cho lớp đàn em kế cận, lan tỏa cả niềm hy vọng rằng mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn, chỉ cần chúng ta không từ bỏ,
Tôi thương những đồng nghiệp xung quanh tôi, họ sống, làm việc hết mình cho hiện tại.
Tôi thương những đồng nghiệp vì lý do nào đó, chẳng thể đi tiếp cùng Unifarm, nhưng tôi tin rằng dù ở đâu hay làm gì, khoảng thời gian gắn bó với Unifarm vẫn là đoạn hồi ức tươi đẹp trong mỗi người
Có thể nếu chọn một nơi khác thay vì Unifarm biết đâu tôi sẽ có những ngày dễ dàng hơn, nhưng chắc chắn sẽ chẳng nơi đâu cho tôi những cảm xúc đáng trân trọng như nơi đây, cảm ơn gia đình Unifarm vì tất cả những điều đã qua.
(Ngô Lê Phương Trinh – nhân viên QA)